DANH MỤC SẢN PHẨM

TẢN MẠN VỀ ẨM THỰC VÀ VĂN HÓA

Trần Võ Quốc Anh
Th 5 03/08/2017
Nội dung bài viết


“Ẩm thực có thể phản ánh nền văn hóa của mỗi quốc gia. Đi cùng với sự giao thoa và sự phát triển của văn hóa, nghệ thuật ẩm thực cũng vì thế mà càng trở nên đặc sắc, tinh tế hơn.”

Cứ mỗi lần nhắc đến một quốc gia bất kì, điều đầu tiên tôi quan tâm không phải là ngôn ngữ, quốc kì, âm nhạc, lịch sử hay tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của quốc gia đó. Điều đầu tiên tôi quan tâm là quốc gia đó có những món gì ngon! Cũng phải thôi, bản thân tôi vốn có một sự đam mê vô cùng cuồng nhiệt đối với ẩm thực các quốc gia. À đấy, nhắc đến ẩm thực, thỉnh thoảng tôi cũng hứng thú với việc tìm hiểu những câu chuyện xoay quanh những món ăn mà tôi đã được thưởng thức. Nó có thể là văn hóa, là nguồn gốc, là truyền thống hay phong tục tập quán. Đã bao giờ bạn thắc mắc về mối liên hệ giữa ẩm thực và văn hóa chưa ?

Phở Hà Nội, một trong những món ăn đặc trưng của ẩm thực Việt

Nói đến mùa đông nước Nga thì hẳn các bạn cũng biết là lạnh đến chừng nào, bạn chỉ cần quên không chớp mắt một lúc là mí mắt bạn đã đóng băng rồi. Giữa mùa đông khắc nghiệt như thế, nhâm nhi một miếng cá khô Astrakhan mặn đắng với một ngụm Vodka hẳn là một sự lựa chọn vô cùng tuyệt vời nếu bạn muốn giữ ấm cơ thể. Còn nữa, tôi luôn mơ ước có một ngày được đứng giữa đất trời Tây Tạng và uống cạn một cốc trà bơ nghi ngút khói thơm nồng hương vị bơ từ sữa bò Yak, có chút vị mặn của muối và cái mát lành của trà đen.

Tôi vừa nói qua về sự ảnh hưởng của thời tiết đối với món ăn bạn sẽ chọn. Thế còn tôn giáo thì sao?

Với những người theo đạo Do Thái hay đạo Hồi, heo là một loài ô uế. Vì vậy, luật cấm ăn thịt heo luôn được các tín đồ Do Thái thi hành triệt để dù ở trong bất kì hoàn cảnh nào. Trong đạo Phật, đức hiếu sinh và lòng nhân từ luôn được đề cao, các món ăn chay cũng vì thế mà ra đời. Không một sinh vật nào bị giết hại, tất cả đều được làm từ nguyên liệu thực vật. Và ăn chay niệm Phật giúp giữ lòng luôn thanh tịnh và con người trở nên hiền hòa hơn.

Có một lần tôi đọc một truyện ngắn, trong đó có một anh chàng người Nga đã có một lí giải rất hay về việc tại sao người phương Tây nói chung lại dùng dao dĩa và người châu Á thì lại dùng đôi đũa. Anh ta bảo rằng đôi đũa của người châu Á giống cái gậy chọc lỗ tra hạt, tương ứng với tập quán canh tác cây trồng, lúa gạo. Còn dao dĩa của phương Tây thì giống như những thứ vũ khí để săn bắn thú vật và cũng lại tương ứng với tập quán săn bắn của họ.

Lại có người lí giải rằng : những vùng ven sông màu mỡ để trồng lúa nước gắn liền với những loài cò – nhìn chiếc mỏ linh hoạt của chúng nên người phương Đông phát minh ra đôi đũa; còn người phương Tây chế ra cái dĩa từ gợi ý từ bàn tay móng vuốt của thú săn mồi.

Khác với người phương tây sử dụng dao nĩa, người châu Á sử dụng đũa trong những bữa ăn của mình

Tôi không chắc điều này có đúng hay không, nhưng ngẫm lại thì cũng có gì đó khá chính xác. Đông Nam Á là cái nôi của nền văn minh lúa nước, khí hậu nóng ẩm thích hợp cho việc trồng các loại cây lương thực cũng như các loại thực vật khác. Vì vậy các món ăn của châu Á nói chung và của khu vực Đông Nam Á nói riêng là sự kết hợp vô cùng hài hòa và phong phú của những nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên. Ngược lại, do đặc thù vị trí địa lí, khí hậu và thói quen ăn uống, người phương Tây lại chuộng những món ăn giàu tinh bột, nhiều thịt và bơ sữa.

Nền ẩm thực có thể phản ánh nền văn hóa của mỗi quốc gia. Và đi cùng với sự giao thoa và sự phát triển của văn hóa, nghệ thuật ẩm thực cũng vì thế mà càng trở nên đặc sắc và tinh tế hơn.

Viết bình luận của bạn
Nội dung bài viết
Thu gọn